Skip to main content
Press Release

Bộ Tư pháp đánh dấu kỷ niệm Sắc lệnh 13166: Cải thiện cách tiếp cận dịch vụ cho người có trình độ tiếng Anh hạn chế

Dùng để đăng ngay
Văn phòng Giao tiếp Quần chúng

Hôm qua là ngày đánh dấu kỷ niệm 24 năm Sắc lệnh 13166, "Cải thiện cách tiếp cận dịch vụ cho người có trình độ tiếng Anh hạn chế". Về cốt lõi, Sắc lệnh thừa nhận nguyên tắc cơ bản là chính phủ liên bang phải có khả năng hiểu và giao tiếp với tất cả mọi người ở Hoa Kỳ, kể cả những người có trình độ tiếng Anh hạn chế (LEP), để giữ cho đất nước và cộng đồng được an toàn và thịnh vượng.  

Hôm nay, Cục Dân quyền của Bộ Tư pháp đã công bố một tóm lược về đánh giá kế hoạch tiếp cận ngôn ngữ của cơ quan liên bang tính cho đến nay. Trong những tháng tới, chúng tôi sẽ cung cấp thêm thông tin về tiến độ và xu hướng của các cơ quan liên bang khi chúng tôi tiếp tục làm việc với họ để xem họ đã cập nhật và thực hiện các kế hoạch tiếp cận ngôn ngữ ra sao.

Giao tiếp là chuyện rất quan trọng cho nhiệm vụ của chúng tôi. Trong hơn hai thập niên, Bộ Tư pháp đã hợp tác với các cơ quan liên bang và các bên liên quan để loại bỏ rào cản ngôn ngữ trong các chương trình hoặc dịch vụ do liên bang thực hiện hoặc tài trợ. Những hiểu lầm có thể dẫn đến hậu quả bi thảm trong các tình huống khẩn cấp, trong hệ thống chăm sóc sức khỏe và trong hệ thống tư pháp. Thật vậy, giao tiếp và hiểu những người thuộc diện LEP là rất quan trọng để thực thi pháp luật, bảo vệ môi trường, hỗ trợ nhà ở hoặc thực phẩm, thúc đẩy thành tích của học sinh, đảm bảo sức khỏe cộng đồng và duy trì sự thịnh vượng và công bằng kinh tế. Ví dụ, khi các cơ quan chính phủ cung cấp bản dịch các tài liệu quan trọng hoặc cung cấp thông dịch viên trong các cuộc trò chuyện hoặc phiên điều trần quan trọng, chúng tôi sẽ nâng cao hiệu quả của các chương trình và dịch vụ do liên bang thực hiện và tài trợ, đảm bảo các chương trình và dịch vụ này được đến tay và mang lại lợi ích cho tất cả các cộng đồng nhắm tới.

Bộ vẫn kiên định với cam kết đảm bảo rằng các chương trình của bộ và các chương trình mà bộ tài trợ vẫn mở rộng cho tất cả mọi người, bất kể trình độ tiếng Anh của họ ra sao. Mặc dù các cơ quan trên toàn chính phủ liên bang đã đạt được nhiều tiến bộ, chúng tôi hiểu rằng những thách thức vẫn còn ở phía trước. Ví dụ, thông qua vai trò điều phối của mình, chúng tôi đã tiến hành xem xét chi tiết 40 kế hoạch tiếp cận ngôn ngữ cập nhật của cơ quan liên bang, kết quả là chúng tôi thấy rằng ngày càng có nhiều cơ quan liên bang đã cam kết:

  • Thiết lập các quy trình để có nhân viên chuyên dụng và đào tạo nhân viên về tiếp cận ngôn ngữ để đảm bảo thực hiện kế hoạch có hiệu quả;
  • Cải thiện kiểm soát chất lượng để yêu cầu các dịch vụ hỗ trợ ngôn ngữ phải chính xác và được đánh giá là có chất lượng; và
  • Mở rộng khả năng tiếp cận thông tin bằng cách thực hiện các chương trình có nội dung trực tuyến đa ngôn ngữ và truyền thông kỹ thuật số.

Cùng với vai trò điều phối, chúng tôi đã ưu tiên tìm hiểu, thực hiện và phổ biến thông tin về các chính sách và thủ tục hiệu quả để loại bỏ rào cản ngôn ngữ đối với các chương trình do chúng tôi thực hiện hoặc tài trợ. Chẳng hạn:

  • Sau khi nhiệm kỳ Điều phối viên Tiếp cận Ngôn ngữ đầu tiên của Bộ chấm dứt, Cục Tiếp cận Tư pháp (ATJ) đã biến vị trí này thành một vị trí thường trực và giao vai trò này cho một Điều phối viên Tiếp cận Ngôn ngữ, có ngạch công chức cao cấp, để đảm bảo công việc quan trọng này kéo dài. ATJ cũng đang tuyển dụng thêm nhân viên để hỗ trợ công việc của Điều phối viên Tiếp cận Ngôn ngữ và phát triển hơn nữa Chương trình Tiếp cận Ngôn ngữ.
  • Theo Kế hoạch Tiếp cận Ngôn ngữ của Bộ, Điều phối viên Tiếp cận Ngôn ngữ cho cả bộ đang làm việc với các cơ quan của bộ để biên soạn các kế hoạch truy cập ngôn ngữ dành riêng cho từng cơ quan. Điều này sẽ giúp các cơ quan soạn ra các chính sách truy cập ngôn ngữ cụ thể tùy theo nhiệm vụ và chức năng độc đáo của mình, phù hợp với các chính sách chung của kế hoạch Tiếp cận Ngôn ngữ của bộ.
  • Trong hai năm qua, Chương trình Tiếp cận Ngôn ngữ của ATJ đã hỗ trợ kỹ thuật và thu xếp dịch vụ dịch thuật cho hơn 50 văn phòng ở khắp Bộ, để mở rộng khả năng tiếp cận ngôn ngữ đối với các thông tin công khai của Bộ. Chương trình đã hoàn thành hơn 75 dự án dịch thuật liên quan đến thông cáo báo chí, tài liệu tiếp cận cộng đồng, nội dung kỹ thuật số, báo cáo và các nội dung khác.
  • Là một phần của Sáng kiến Tiếp cận Ngôn ngữ Thực thi Pháp luật (LELAI) của Cục Dân quyền, Trợ lý Bộ trưởng Tư pháp Kristen Clarke của Cục Dân quyền đã gửi một lá thư cho các đồng nghiệp thực thi pháp luật vào tháng 12/2023, nhắc lại nghĩa vụ dân quyền liên bang của họ là cung cấp dịch vụ hỗ trợ ngôn ngữ cho những người thuộc diện LEP và cung cấp cách giao tiếp hiệu quả cho những người điếc và khiếm thính.
  • Thông qua LELAI, Cục Dân quyền cũng hợp tác với Phòng Dịch vụ Cảnh sát Hướng tới Cộng đồng (COPS) và Trung tâm Đổi mới Cảnh sát Quốc gia để mở ra các phương tiện quan trọng trên Cổng đào tạo COPS để giúp các cơ quan thực thi pháp luật vượt qua rào cản ngôn ngữ khi tuân thủ Mục VI của Đạo luật Dân quyền năm 1964 và Đạo luật Kiểm soát Tội phạm và Đường phố An toàn Omnibus năm 1968.
  • Cục Dân quyền tiếp tục hợp tác với các Văn phòng Biên lý Liên bang trên toàn nước Mỹ để giúp các cơ quan thực thi pháp luật đáp ứng nghĩa vụ hỗ trợ ngôn ngữ một cách có ý nghĩa cho những người thuộc diện LEP để phục vụ và bảo vệ cộng đồng tốt hơn. Ví dụ về cách làm việc với các cơ quan thực thi pháp luật cụ thể bao gồm
  • Cục Dân quyền cũng đăng các tài liệu về quyền bầu cử cho công chúng được dịch sang hơn một chục thứ tiếng, trong đó có cẩm nang Bạn Cần Biết Những Quyền Của Mình và một tài liệu giải thích các yêu cầu về ngôn ngữ trong Đoạn 203 của Đạo luật Quyền Bầu cử năm 1965.  Những tài liệu này có thể xem tại Bỏ phiếu | Quyền biểu quyết (justice.gov).

Trong năm tới, Cục Dân quyền sẽ tiếp tục chủ tọa các cuộc họp của Nhóm Công tác Tiếp cận Ngôn ngữ Liên bang. Trong các cuộc họp liên ngành này, chúng tôi tìm hiểu và chia sẻ thông tin về cách đào tạo nhân viên tiếp cận ngôn ngữ hiệu quả; tuyển dụng, đánh giá, thuê mướn và giữ chân nhân viên đa ngôn ngữ; hợp đồng với biên dịch viên, phiên dịch viên có trình độ và sử dụng công nghệ để cung cấp các dịch vụ hỗ trợ ngôn ngữ chính xác và đáng tin cậy. Thông qua cách tiếp cận thống nhất này, chúng tôi muốn thực hiện mục tiêu của Mục VI trong Đạo luật Dân quyền năm 1964 và Sắc lệnh 13166 nhằm ngăn chặn hiện tượng phân biệt đối xử và đảm bảo mọi người được đối xử bình đẳng theo luật pháp. 

Đã cập nhật Tháng Tám 19, 2024

Chủ đề
Access to Justice
Civil Rights
Thông cáo báo chí số: 24-998